Cách tính giá trị của các nước thu quan

Một trận đấu cờ vây sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn: Khai cuộc, Trung bàn, và Thu quan (hay còn gọi là Quan tử). Nếu ở hai giai đoạn đầu, có rất nhiều cách chơi cho chúng ta lựa chọn tùy vào phong cách hoặc ý thích, thì giai đoạn thu quan đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối về thứ tự nước đi.

Bài viết này cung cấp một kiến thức sơ đẳng nhất về cách tính giá trị của các nước thu quan (mà có thể tính được). Một số nước đi ở hai giai đoạn đầu thoạt nhìn có vẻ như đang thu quan nhưng thật ra rất khó đo đếm được giá trị của nó, như nước Đen đi A hay B ở hình phía dưới, thì không thể tính theo công thức được.

thu-quan-a

Tiên thủ và hậu thủ

Tiên thủ là nước đi mà khi ta chơi ở một khu vực, đối phương buộc phải phòng thủ và ta vẫn nắm quyền đi quân trước tại một khu vực khác trên bàn cờ. Nước đi hậu thủ thì ngược lại, làm ta mất lượt.

Ở hai ví dụ ở phía dưới. Trắng A là nước tiên thủ vì Đen buộc phải chặn tại B để tạo sống cho cả đám quân. Trắng C là nước hậu thủ vì sau khi Trắng ăn 3 quân đen, Đen không bị đe dọa gì thêm.

thu-quan-b

Hai khái niệm này được áp dụng xuyên suốt một trận cờ vây. Nó lại đặc biệt quan trọng ở giai đoạn thu quan. Tuy thế, nó đôi khi chỉ là tương đối, không nước đi nào hoàn toàn là tiên thủ nếu như đối thủ không chịu bảo vệ khu vực bị đe dọa mà giành quyền chủ động để đi nơi khác. (Đen có thể không cần tạo sống ở B nếu Trắng đi A ở hình trên).

Ở bài viết này chúng ta cần chấp nhận một nước nào đó là tiên thủ vì đa phần nó là tiên thủ trong những trận đấu thực. Để có thể ráp công thức vào mà tính toán. 😀

CLB-co-vay-Nha-Trang (1)
Hình không liên quan. Đặt vào cho vui. CLB cờ vây Nha Trang.

Cách tính giá trị nước thu quan

Để tính giá trị của một nước đi, ta chia các hình cờ cụ thể ra 3 trường hợp: Hai bên hậu thủ, một bên tiên thủ, và hai bên tiên thủ.

Trường hợp 1: Hai bên hậu thủ

Hình dưới: Đen và Trắng nếu đi thu quan ở phần biên thì sẽ hậu thủ sau khi nối về ở 3. Đối phương sẽ cầm quân đi nước 4 ở khu vực khác.

Thu quan 123

Giá trị của nước này là hậu thủ 2 mục. Tại sao 2 mục? Vì nếu Đen đi, Đen có 1 mục ở D1 và Trắng mất 1 mục ở G1 và ngược lại.

Trường hợp 2: Một bên tiên thủ

Hình dưới: Nếu Đen đi trước, Đen bẻ ở 1, Trắng 2, Đen nối về ở 3. Trắng có thể đi nơi khác. Nếu Trắng đi trước, sau Trước nối ở 3, Đen phải phòng thủ điểm yếu ở A với 4. Trắng được quyền đi nơi khác. Như vậy, chỉ có Trắng là có thể thu quan tiên thủ trong hình cờ này.

thu quan 2

Giá trị của nước thu quan Trắng 1 ở hình trên là 3 mục tiên thủ. Đen 1 là nước chống tiên thủ 3 mục. (Đen giữ 2 mục và phá Trắng 1 mục).

Giá trị của nước tiên (hoặc chống tiên) 3 mục này tương đương với một nước hậu thủ 6 mục. Nghĩa là về mặt lý thuyết, giá trị của một nước tiên (hoặc chống tiên) gấp đôi giá trị của một nước thu quan hậu thủ.

Trường hợp 3: Cả hai bên tiên thủ

Hình dưới: Cả hai bên đều có tiên thủ khi thu quan ở hình cờ này. Trắng 4 và Đen 4 ở hai hình phía sau là bắt buộc phải chơi để bảo vệ điểm gãy trong hình cờ của mình.

thu quan 3

Giá trị của Đen 1 và Trắng 1 trong hình phía trên là 4 mục tiên thủ đôi. (Mỗi bên phá đối phương 2 mục).

Nước tiên thủ đôi 4 mục này có giá trị tương đương với 16 mục hậu thủ. Theo lý thuyết, một nước tiên thủ đôi có giá trị gấp 4 lần nước hậu thủ.

 

Một số ví dụ

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng thực hành tính toán với vài hình cờ phức tạp hơn một chút.

Ví dụ 1:

Hình 1: Trắng A có giá trị là 6 mục hậu thủ. Trắng sẽ có thêm 3 mục và Đen mất 3 mục.

thu-quan-7
Hình 1

Hình 2: Thoạt nhìn Hình 2 giống hệt Hình 1, tuy thế,  Trắng A lúc này có giá trị 7 mục tiên thủ. (Nếu Đen không thủ ở B, trắng sẽ ăn quân tại B và toàn bộ đám đen bị tiêu diệt. Tương tự, Đen nối tại A là 7 mục chống tiên thủ.

thu-quan-8
Hình 2

Ví dụ 2:

Hình 3: Trắng hoặc Đen A có giá trị bao nhiêu?

Nếu Đen đi, Đen cứu được 3 quân và ăn được 2 quân trắng, tổng cộng có giá trị là 10 mục. Tuy nhiên, sau đó, Trắng phải tạo sống tại K1, Đen A là tiên thủ. Nếu Trắng đi, Trắng cũng tương tự lấy 10 đất và buộc Đen tạo sống với A4, Trắng A cũng là tiên thủ.

thu-quan-haha
Hình 3

Như vậy, nước A, dù Trắng hay Đen đi, có giá trị là 10 mục tiên thủ đôi. Và như vậy có giá trị “quy đổi” là 40 mục hậu thủ. Một con số rất đáng ngạc nhiên. (Tạm không tính 1 mục lặt vặt sau khi Đen A4 hay Trắng K1)

Ví dụ 3:

Một hình cờ cổ điển khi thu quan đó là hình nhảy khỉ (monkey jump). Như hình bên dưới.

Hình 4: Trắng A là nước nhảy khỉ thu quan tiên thủ, Đen B là nước đi chống tiên thủ. Vậy nó có giá trị chính xác là bao nhiêu?

thu-quan-9
Hình 4

Hình 5: Giả sử Đen đi trước, chúng ta tạm đếm (chỉ đếm đến hàng 3) là Đen có 14 mục và Trắng có 8 mục. F1 và G1 không được tính đất.

thu-quan-11
Hình 5

Hình 6: Trắng 1 nhảy khỉ là cách thu quan chính xác, Đen ví dụ có thể trả lời từ 2 đến 8. Lúc này Đen có 8 mục và Trắng có 9 mục. So với số lượng đất đã đếm ở Hình 5, Trắng thu lợi hơn 7 mục.

Như vậy, Trắng 1 ở Hình 6 là tiên thủ 7 mục. Đen 1 ở Hình 5 là chống tiên thủ 7 mục.

thu-quan-10
Hình 6
Công thức là gì?
Đến đây, một số bạn sẽ dừng lại và bảo tôi. Số 7 ấy lôi từ đâu ra? Đó là cách tính theo kinh nghiệm thôi. Nếu các bạn muốn công thức chính xác, tôi xin chia sẻ một công thức thế này: Hiệu của Hiệu.

Bước 1: Xếp ra 2 trường hợp (Đen đi trước và Trắng đi trước).

Bước 2: Khoanh vùng một khu đất giới hạn (rộng hơn vùng có các nước thu quan một chút). Đếm số lượng đất mà Đen và Trắng có được ở cả hai trường hợp. Đặt tên cho chúng là D1, T1 (đất Đen và Trắng trong TH1) và D2, T2 ( (đất Đen và Trắng trong TH2).

Bước 3: Công thức: |(D1 – T1) – (D2 – T2)|. That’s it.

(Hai dấu gạch hai bên là dấu trị tuyệt đối. Nghĩa là chúng ta sẽ vứt dấu trừ đi nếu phép tính ra số âm.)

Ở ví dụ phía trên, chúng ta có: |(14 – 8 ) – (8 – 9)| = 7. Bing!

 

Tổng kết

Ở trên, tôi đã giới thiệu cách tính giá trị của các nước thu quan theo nghĩa “ngây thơ” nhất của nó. Một trận đấu có thể xảy đến nhiều trường hợp phức tạp hơn và khó tính toán hơn gấp bội. Nhưng những điều trên là cơ bản, mọi trường hợp phức tạp khác đều quy ngược về 3 trường hợp trên.

Hãy để ý đến giá trị quy đổi của 3 TH trên để thực hiện thứ tự nước đi cho chính xác. Một nước hậu thủ 10 mục thì không có giá trị bằng nước tiên 7 mục.

Hy vọng sau bài viết này, các bạn có thể tự tin hơn khi bước vào giai đoạn thu quan cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, không cần phải quá đắn đo suy nghĩ nhiều nữa. Có công thức hết rồi mà. B-)

 

Xem thêm bài Giới thiệu về thu quan

 

 

4 comments

  1. Thành says:

    anh ơi một quân có giá trị bao nhiêu mục, 14 ở đâu ra.D1,D2,T1,T2 là giá trị lần lượt của từng cái nào,còn cách xếp cờ để tính mục như thế nào? anh hướng dẫn em được không ạ ,em cám ơn anh nhiều ạ.

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Đây là kiến thức nâng cao, em tạm bỏ qua nó đi nhé. Ai đời lại hỏi một quân có giá trị bao nhiêu mục. ^^

      Cách xếp đất và tính mục, anh muốn làm một video về nó từ lâu mà chưa có thời gian. Em nên đến tham gia các CLB cờ vây để được hướng dẫn nhe, anh nghĩ cái đấy tương đối khó để giải thích qua một bài viết.

      Nếu không thể đến CLB, chắc em phải chịu khó tìm các video hướng dẫn tiếng Anh, hoặc đợi anh ra video vậy :D.

    • Bimily says:

      Trong cờ vây không có khái niệm giá trị quân cờ, chỉ có khái niệm giá trị một nước đi.
      Ví dụ như nước bắt quân (Pon – nuki) khi ở giai đoạn khai cuộc được cho là có giá trị 30 mục.
      Tuy nhiên cùng nước này khi ở giai đoạn tàn cục thì có lẽ chỉ có giá trị 2 mục.

      Về các tính mục, các nhớ đơn giản nhất là nếu nước đi là tiên thủ và làm tăng đất của mình , giảm đất của đối thủ thì đó là nước nên đi.
      Còn cách tính chi tiết bạn có thể xem sách của Lee Chang Hoo – hướng dẫn chi tiết các đếm mục.

  2. Bimily says:

    Có 2 nước nhảy khỉ (Monkey Jump) bước nhỏ và bước lớn (Big Monkey Jump/ Small Monkey Jump – mình tự dịch 😀 ) nếu bạn xem video tiếng anh thì nước này còn được gọi là Knight Move (di chuyển giống quân mã trong cờ vây) hoặc Keima nếu bạn xem tiếng Nhật.
    Big Monkey Jump = Ougeima
    Small Monkey Jump = Keima
    Trong trường hợp ở trên là Big Monkey Jump khi bước nhảy qua 2 ô liên tiếp.
    Theo ý kiến của mình (được chỉ) thì có lẽ nước đi này có giá trị hơn 7 mục. Bởi khi đen hạ xuống 1 như hình 5 , trắng bỏ qua không tiếp thì nước đi tiếp theo của đen sẽ là tiên thủ (Gyaku yose).
    Các ứng phó như nêu bài hướng dẫn được cho là chuẩn xác nhất.

    Về điểm “Một nước hậu thủ 10 mục thì không có giá trị bằng nước tiên 7 mục.”
    Đúng trong đa số trường hợp, tuy nhiên nếu tất cả các nước đi tiếp theo đêù không có giá trị hơn 3 mục và không phải là tiên thủ thì vẫn có thể đánh nước này.

    Ở trình độ dưới 5 đẳng có lẽ bạn không cần quan tâm lắm bởi ít khi có trận nào sai lệch nhau nửa mục.
    Tuy nhiên khi có trình độ cao, một sai lầm sẽ phải trả giá một trận đấu hoặc lớn hơn, cả một danh hiệu. (Fujisawa Hideyuki, NHK cup, 1964)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *