Giải bài tập cờ vây đúng cách

Trong một bài viết trước, tôi có bảo rằng, đọc cờ là kỹ năng cốt lõi của một kỳ thủ cờ vây. Hay nói cách khác, trình độ thực sự của một người chính là trình độ đọc cờ của người đó.

Tôi từng chia sẻ con đường tiến bộ lên 3 dan nhanh chóng của mình. Tuy nhiên, tôi bị kẹt ở trình độ này khá lâu với cách làm cũ là chơi cờ thật nhiều với người mạnh hơn. Và cách để “phá băng” đó là giải bài tập đúng cách.

Đây là cách tốt nhất để từ bỏ thói quen xấu là suy nghĩ luẩn quẩn, tốn thời gian, không hiệu quả. Từ đó, xây dựng thói quen suy nghĩ mạch lạc, tinh gọn, thẳng tới vấn đề.

Học cờ thầy Lee

Năm 2010, thầy Lee qua Việt Nam để dạy cờ, tôi là một trong những học trò siêng năng nhất trên lớp, cùng với anh Đỗ Khánh Bình, kỳ thủ vừa xuất sắc giúp Đà Nẵng vô địch Giải Tam Thành Chiến VN.

Lớp diễn ra 3 buổi/tuần. Trong một buổi học 3 tiếng, thầy phát cho mỗi người 1 đến 2 tờ bài tập cờ vây A4 2 mặt phù hợp với trình độ. Thông thường tôi dành 1 tiếng để giải xong và 1 tiếng để sửa các bài còn sai. Như vậy, lớp chỉ còn 1 tiếng để review trận đấu hay học các bài học theo chủ đề.

Đó là lần đầu tiên, tôi thực sự ngồi xuống để giải bài tập đúng cách. Vậy thế nào là đúng cách?

Nguồn: Stone on the Goban

Giải bài tập đúng cách – 2 vấn đề cốt lõi

Ở dưới là 2 vấn đề cốt yếu mà tôi sẽ không bao giờ được làm nếu không tham gia lớp thầy Lee.

1. Tập trung & đều đặn

Tập trung là từ khóa quan trọng nhất của mọi vấn đề liên quan đến học tập, rèn luyện. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng giải vài bài tập trong vòng vài phút rồi thôi thì sẽ không hiệu quả.

Hãy dành thời gian cho nó một cách chất lượng. Nếu không phải là 2 tiếng đồng hồ (như kể phía trên), thì ít nhất cũng là 30p ngồi xuống 1 đối 1 với bọn bài tập. Nhờ vậy, thói quen đọc cờ và sự ghi nhớ hình cờ nó mới có đường ám vào các nơ-ron thần kinh được.

Nhưng tập trung một lần thôi thì chưa đủ. Tập trung chỉ mới là bước phác thảo cho não biết là mình muốn gì thôi. Sự lặp lại đều đặn của thói quen tập trung giải bài tập là bước “đồ đậm” để các nơ-ron lưu lại lâu dài về sau.

Nếu được, hãy dành khoảng 2 đến 3 buổi 30p (hoặc ít hoặc nhiều hơn tùy người) tập trung giải bài tập một tuần.

2. Suy nghĩ cho hai bên

Lẽ dĩ nhiên, việc đọc cờ bao gồm cả việc đoán xem đối thủ trả lời nước đi của mình như thế nào. Ta không thể chỉ nhằm vào một điểm khả dĩ rồi đi vào, đợi đối thủ trả lời xong mới đi tiếp nước thứ ba, lúc này thì đã quá trễ.

Đây là vấn đề lớn nhất đối với những bạn giải bài tập kiểu chơi chơi. Họ thường giải bài tập trên các app/web cờ thế, dễ hình thành thói quen chỉ tập trung đi tìm những nước có vẻ đúng, đợi máy tính trả lời, rồi lại tự ý đi thêm một nước có vẻ đúng khác, sau đó thì trật lất.

Hãy giải bài tập in trên giấy.

Tôi thường giao bài tập cho học sinh trên giấy (học thầy Lee). Học trò sẽ ghi các nước đi tốt nhất cho cả hai bên theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5 … sau đó nộp cho thầy chấm bài.

Bài làm sai thì có nhiều cách sai. Một lỗi sai dễ gặp là mình không lường được nước đáp trả của đối thủ, dẫn đến mình vẫn đạt được yêu cầu của bài (ví dụ giết quân). Nước đi sai có thể nằm ở các nước của mình (1, 3, 5) hoặc của đối thủ (2, 4, 6), chỉ cần một nước sai thì sẽ tính là cả bài sai. Khi thầy bảo sai, việc của học trò là rà lại tính đúng sai từ nước đi cuối cùng cho đến nước đầu tiên. Sau đó sửa chữa và nộp lại.

Nhờ cách làm này, bạn sẽ hình thành thói quen suy nghĩ cho cả hai bên. Tất nhiên, không cứ nhất thiết phải in trên giấy. Giải bằng cách điền vào file ebook hay file sgf thì cũng được.

Ở dưới là bài tập tôi giao cho học trò, bé Viên Minh làm mỗi ngày.

Nhưng nếu không có thầy

Thì tôi nghĩ bạn phải tìm một người, hoặc một nhóm học cờ nghiêm túc nào đó để follow. Hiện tại, tôi đang chạy một dự án nhóm học cờ thuộc CLB cờ vây Dango – Dango Study League, với một side quest là Tsumego Race, cùng giải cờ thế. Đây cũng là một cách để yêu cầu học trò nghĩ nước đi cho cả hai bên thay.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ một người nào đó kiểm tra sách đáp án và chỉ ra bài nào sai. Hoặc cùng lắm là tự mình check đáp án sau khi đã hoàn tất buổi làm bài.

Đối với người mới thì sử dụng app tiện hơn

Vì người mới thì khó có thể tự xây dựng khả năng đọc cờ nhiều nước, và vì bài tập của người mới thường cũng chỉ là tìm ra nước tốt nhất một cách dễ dàng (hình cờ chuẩn, đúng nguyên tắc), nên có thể nhờ máy tính đi nước đi dĩ nhiên cũng được.

Dango đang xây dựng kho bài tập phong phú dành cho các bạn mới học chơi cờ vây.

Những vấn đề liên quan khác

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý các vấn đề dưới đây:

1. Phù hợp với trình độ

Có 3 loại bài tập:

  1. Bạn nhìn dưới 30s là ra đáp án
  2. Bạn suy nghĩ 1p-10p để ra đáp án.
  3. Bạn phải nghĩ lâu hơn 10p nhưng có thể cũng không thể tìm ra đáp án.

Ra đáp án là một chuyện, nhưng đáp án cũng cần phải đúng tương đối nữa, nếu xét theo bộ bài tập đề ra, bạn cần tránh những bộ bài tập mà “đáp án” của mình chỉ đúng dưới 30%. Tùy người nhé.

Theo trên, tôi đánh giá rất cao những bài tập trình độ dễ (1) & (2) đối với kyu player và trình độ ngang hoặc hơn mình (2) & (3) đối với dan player.

2. Suy nghĩ mạch lạc

Để giải bài tập cờ vây hiệu quả, nhanh chóng, đặc biệt là các bài khó, bạn cần tập thói quen suy nghĩ mạch lạc.

Không như các bài tập dễ, khi bạn chỉ cần tìm những nước đi ở điểm quan trọng. Bài tập cờ vây khó thách thức người làm với vô số biến thế có thể xảy đến (ví dụ trung bình có 3 lựa chọn cho 1 nước đi, nghĩa là sẽ có tới 81 biến thế cho 4 nước đi kế tiếp).

Nhiệm vụ của người làm là tránh bị luẩn quẩn trong một biến thế “tưởng ngon” nhưng vốn là sai hướng. Thay vì đó, bạn cần suy nghĩ thấu đáo về toàn bộ nước đi xuất phát từ 1 nước, sau đó quyết định rõ trong đầu nó đúng hay sai để chọn hay bỏ qua.

Phải luôn nhắc nhở rằng mình cần mạch lạc. Vì thời gian là vàng bạc.

3. Hãy lặp lại nhưng không phải để thuộc lòng

Để đạt được hiệu quả tối ưu, việc giải lại các bài tập cũ là rất cần thiết. Đây là một cách để kiểm chứng xem mình đã hiểu được các ý tưởng đằng sau của bài tập chưa.

Không có giới hạn cho việc giải một bộ bài tập mấy lần. Nhưng nếu lần đầu, một bộ bài tập phần lớn thuộc Loại 2 (phân loại ở trên) và làm đúng chỉ khoảng 50%. Bạn có thể suy nghĩ về việc giải lại cho đến khi biến phần lớn thành loại 1 và giải đúng trên 90%. Lưu ý là việc làm lại nó không cần phải lập tức sau khi xong.

Một võ sĩ không chỉ đi một bài quyền một lần rồi bỏ qua, họ luôn phải tập tới lui để đến khi nó chui vào máu mình thì mới là đủ.

In the end

Đối với tôi, giải bài tập cờ vây là 1 trong 2 cách tốt nhất để trở thành một người chơi mạnh hơn. Và đặc biệt là phải giải đúng cách, chứ lạc quẻ thì cũng chả ăn nhằm gì.

Tất nhiên, nếu mạnh lên không phải là điều bạn ưu tiên, thì cứ giải bài tập theo nghĩa tiêu khiển của nó cũng không phải là xấu. Đâu phải ai cũng muốn mạnh lên, nhiều người chỉ cần enjoy cờ vây thôi mà.

Nếu bạn còn thắc mắc gì cần tư vấn, thì có thể liên hệ với Tuệ nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *